Khi tìm mua xe cũ thì phải có hơn 90% xe được rao bán đều được khẳng định là “không đâm đụng, ngập nước”. Tuy nhiên, sự thật như thế nào thì… chỉ có chủ xe và thợ mới biết. Với mong muốn giúp Quý độc giả có thể đưa ra quyết định đúng đắn khi chọn mua ô tô cũ, danhgiaXe sẽ mách bạn cách nhận biết xe thủy kích chính xác nhất, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Về cơ bản thì xe thủy kích và ngập nước là giống nhau, nhưng xe bị thủy kích thì sẽ hư hỏng nặng hơn.
Xe bị ngập: Là xe đứng yên và bị nước dâng lên, tràn vào xe. Nếu ngập nhẹ thì mức độ tổn hại không nhiều, nặng hơn thì hệ thống điện có thể bị chập, cháy, gỉ sét các mối hàn, bộ điều khiển, các nút bấm chức năng bị ảnh hưởng. Với những xe này, chủ xe sẽ phải thay thế dây dẫn và các bộ phận quan trọng để phòng ngừa tình trạng chập cháy về sau.
Xe thủy kích: Là xe chạy trong vùng nước ngập, nước tràn vào đường hút gió của động cơ, gây chết máy đột ngột. Lúc này, nếu người lái cố chấp khởi động lại thì sẽ khiến cho nước bị hút sâu vào động cơ, khiến cho xe hư hỏng nặng hơn như gãy tay biên, thủng lốc máy.
Những hư hại này buộc phải khắc phục bằng cách mở động cơ (bổ máy), thậm chí thay cả cụm với chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, thủy kích còn gây hại cho hệ thống điện, ghế, các khớp nối, vặn. Có những chi tiết ở sâu không khắc phục triệt để như điện có thể gây chập cháy.
Một trong những cách nhận biết xe bị thủy kích là quan sát đèn pha. Với ô tô từng bị ngập nước, thường thì đèn pha sẽ bị ố vàng, mờ, có đọng hơi nước hoặc xuất hiện các vết xước do đã bị cạy ra để lau chùi.
Cách nhận biết xe bị thủy kích tiếp theo là quan sát toàn bộ ốc và bu lông. Nếu thấy ốc sáng bóng, gỉ sét hoặc bị xước, có vết kẹp thì nhiều khả năng là động cơ đã bị tháo ra để sửa chữa.
Đừng bỏ qua việc quan sát kỹ toàn bộ ốc trên máy, các giắc cắm, đường ống nhiên liệu, nước làm mát, dây điện... xem có vết dầu mỡ còn bám trên đó hay không? Nếu có thì đó chính là dấu hiệu cho thấy các chi tiết này đã bị tháo ra để sữa chữa.
Với gioăng đầu bò và nắp máy, nếu thấy vẫn còn mới toanh hoặc có vết silicon tràn ra ngoài thì tức là động cơ đã bị sửa. Thường thì trên xe “zin”, các phần này sẽ rất khít, đường silicon rất thẳng.
Xe bị ngập nước, thủy kích thì thường sẽ có mùi ẩm mốc nặng, việc tẩy rửa dù kỹ cũng khó có thể đánh bay hoàn toàn mùi khó chịu này. Vì vậy, chủ xe, nhân viên bán hàng sẽ xịt nước hoa để át đi. Để kiểm tra, các bác hãy vào trong xe, đóng cửa và tắt điều hòa, nếu thấy mùi nước hoa hoặc mùi ẩm mốc thì đó là dấu hiệu nhận thấy chiếc xe không hề ổn.
Một cách nhận biết xe bị thủy kích khác là đừng quên lật thảm trải sàn, kiểm tra phần cuống của dây đai an toàn, dưới chân phanh, chân ga, bu lông, gầm ghế, đồng hồ táp-lô, màn hình,... nếu xe đã từng bị ngâm nước thì các vị trí này sẽ có vết loang lỗ, ố vàng hoặc hoạt động chập chờn.
Khi xe bị ngập nước, các chi tiết kim loại dưới gầm, đặc biệt là các con ốc bắt ống xả vào thân máy rất dễ bị gỉ. Các con ốc này thường có màu vàng nâu, vì nhiệt độ ở vị trí máy rất cao nên nếu tháo ra thì sẽ có dấu vết để lại.
Các bác thợ sửa ô tô lành nghề cho biết, tay nghề “mông má” của thợ Việt ngày càng cao, việc “phù phép” cho xe bị đâm nát, ngập nước trở lại hiện trạng như mới không có gì là khó. Dân trong nghề còn khẳng định, có những xe bị ngập nước tới nửa thân, mang vào garage hai tuần, mọi thứ đã trở lại như vừa xuất xưởng. Những dấu vết như đầu giắc cắm điện, các miếng ốp dưới sàn, sắt dưới ghế bỉ gỉ đều được "phù phép" trở lại sáng bóng.
Do vậy, việc kiểm tra các chi tiết đã nói ở trên là điều cần thiết khi mua xe cũ. Cẩn tắc vô áy náy. Nhưng với trình độ phục hồi xe cũ ngày càng cao của thợ Việt như hiện nay thì cách nhận biết xe bị thủy kích có độ chính xác cao nhất đó chính là chạy thử để cảm nhận về chiếc xe.
Với việc lái thử, nếu không tự tin, tốt hơn hết nên nhờ một thợ sửa xe (thợ máy) lành nghề đi cùng, hoặc chí ít là một người có nhiều hiểu biết về xe, họ sẽ dễ dàng cảm nhận các cảm giác hụt ga, thân xe không vững, hệ thống treo có vấn đề… để đưa ra kết luận chính xác hơn.
Để lái thử, đầu tiên các bác hãy khởi động máy, nhờ người đứng sau xe quan sát xem ống xả có xả khói hay không? đồng thời, lắng nghe tiếng nổ của xe xem có gì bất thường không? Nếu xe đã từng bị sửa động cơ thì tiếng nổ sẽ không êm.
Tiếp đến, hãy tăng tốc để cảm nhận về chân ga, phanh, hệ thống lái. Hãy để ý xem mức tiêu hao nhiên liệu của xe có nhiều không. Khi đã chạy được khoảng 10 phút thì các bác mở nắp capo để kiểm tra nhiệt độ của máy. Nếu thấy máy ấm, không quá nóng nhưng, vẫn có thể chạm tay vào được thì chứng tỏ máy còn nguyên.
Hy vọng rằng những cách nhận biết xe bị thủy kích mà danhgiaXe chia sẻ trên đây đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Đừng quên thường xuyên truy cập website, fanpage và kênh Youtube của danhgiaXe để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị khác nhé!
Xem thêm:
Kinh nghiệm mua xe ô tô cũ và kiểm tra xe đã qua sử dụng
https://www.danhgiaxe.com/mach-ban-cach-nhan-biet-xe-thuy-kich-chinh-xac-nhat-31163
Chú ý: CongMuaBan.vn không bán hàng trực tiếp, quý khách mua hàng xin vui lòng liên lạc với người bán.