Đa số chúng ta tin rằng lấy cao răng sẽ làm cho chân răng bị yếu, làm mòn men răng khiến răng dễ bị lung lay, dễ gãy… Nhưng thực ra đây là một quan niệm sau lầm.
Cao răng là loại chất lắng cặn cứng của muối vô cơ, gồm canxi carbonat, phosphate, vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng, vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô….
Cao răng là nguyên nhân gây ra các bệnh về nướu như viêm nướu, viêm nha chu, dẫn đến tiêu xương cùng các triệu chứng khác như chảy máu chân răng, miệng có mùi hôi, ê buốt khi ăn uống…, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng.
Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh viêm niêm mạc miệng, viêm amidan, viêm họng…
Cao răng và quá trình hình thành diễn ra như thế nào?
Sau khi chải răng sạch 2 giờ, có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng gọi là màng sinh học. Các vi khuẩn đến bám vào màng này và sau một tuần màng vi khuẩn này được hình thành đầy đủ và dày hơn.
Sau đó màng vi khuẩn thay đổi về độ pH và tạo điều kiện cho các mảnh vụn thức ăn, các mảnh khoáng trong môi trường miệng đến hình thành nên những mảng cứng bám xung quanh cổ răng gọi là cao răng.
Lưu ý trong chăm sóc, vệ sinh răng miệng bạn cần biết:
- Chải răng ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ nên bảo vệ răng miệng. Khi chải răng, lưu ý chải theo chiều dọc của chân răng, giúp làm sạch được mảng bám ẩn trong vùng kẽ giữa hai răng. Lưu ý chải theo chiều ngang sẽ làm mòn cổ răng.
- Hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều đường, bột và thức ăn dễ bám dính trên bề mặt răng.
-Khám răng 6 tháng một lần định kì để phát hiện sớm những bệnh răng miệng và có các biện pháp bảo vệ và chữa trị kịp thời.