Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với mẹ sau sinh bị tiền sản giật. Bằng chế độ ăn uống hợp lí mẹ có thể kiểm soát tốt tình trạng tiền sản giật và đảm bảo sức khỏe. Vậy mẹ sau sinh bị tiền sản giật nên ăn gì và không nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe được tốt nhất?
Tiền sản giật sau sinh có sao không?
Tiền sản giật sau sinh cũng giống như chứng tiền sản giật xảy ra trong thai kỳ. Triệu chứng chủ yếu của biến chứng này là huyết áp cao và có nhiều protein trong nước tiểu (trên 300 mg). Tiền sản giật sau sinh có thể xảy ra trong vòng từ 48 đến 72 giờ sau khi em bé ra đời. Tuy nhiên có một số trường hợp xảy ra sau 48 giờ đến khoảng một tháng sau sinh được gọi là tiền sản giật muộn.
Dấu hiệu thường gặp khi mẹ sau sinh bị tiền sản giật bao gồm:
- Tăng huyết áp: huyết áp đạt trị số 140/90 mmHg hoặc cao hơn.
- Protein niệu dương tính: kết quả dương tính khi lấy mẫu nước tiểu 24h, kết quả dương tính khi lượng protein lớn hơn 0,3 g/L/24h.
- Đau đầu nghiêm trọng.
- Mất thị lực tạm thời, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
- Đau vùng bụng trên, thông thường ở vùng hạ sườn phải.
- Tiểu ít.
Như vậy, tiền sản giật sau sinh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe mẹ sau sinh như co giật, phù phổ, nghẽn mạch huyết khối, đột quỵ. Do đó tình trạng này cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị, tiền sản giật sau sinh có thể gây co giật và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác cho sản phụ.
Mẹ sau sinh bị tiền sản giật nên ăn gì?
Hiện nay, không có một chế độ ăn cụ thể nào cho sản phụ bị tiền sản giật. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia việc xây dựng một chế độ ăn đầy đủ đạm, omega 3, canxi, các vitamin, yếu tố vi lượng và luyện tập thể dục nhẹ nhàng sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì cân nặng hợp lý do đó hạn chế được biến chứng tiền sản giật sau sinh. Chế độ ăn cho sản phụ bị tiền sản giật nên gồm có:
- Các loại gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn, bún, phở, … Mẹ nên ưu tiên chọn các loại gạo lức, bánh mì đen hoặc ngũ cốc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng nhé.
- Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt và can xi như thịt nạc, cá nạc, tôm, cá nhỏ ăn cả xương, cua …..
- Tăng cường thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như dầu oliu, dầu nành, dầu điều, dầu mè, dầu hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt điều, trứng, thực phẩm đậu nành, quả óc chó và các loại cá béo.
- Ăn thêm thực phẩm giàu sắt và axit folic như rau xanh, trái cây họ cam, đậu, ngũ cốc,thịt nạc đỏ, thịt gia cầm, cá…
- Ăn đa dạng các loại rau xanh giúp bổ sung vitamin, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như rau khoai lang, rau mồng tơi, rau đay, bông cải xanh, măng tây, rau chân vịt….
- Ăn đa dạng các loại quả như thanh long, cam, bưởi, bơ,việt quất, đu đủ chín, chuối…
- Các loại sữa ít béo và các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa chua.
Những thực phẩm mẹ sau sinh bị tiền sản giật nên tránh ăn
Bên cạnh đó, mẹ bị tiền sản giật sau sinh cũng nên tránh ăn những thực phẩm có thể làm bệnh nghiêm trọng thêm. Đối với mẹ đang cho con bú thì ngoài việc tránh ăn các
thực phẩm gây mất sữa mẹ còn cần chú ý tránh, hạn chế những thực phẩm sau:
- Nội tạng động vật: gan, tim, thận động vật.
- Mỡ động vật.
- Không nên ăn mặn, giảm lượng muối trong các bữa ăn.
- Những thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, các loại nước ngọt
- Đồ ăn, gia vị cay nóng: hạt tiêu, ớt….
- Các thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền, xúc xích, thịt hun khói, lạp xưởng, đồ hộp.
- Dưa muối, cà muối,măng muối
- Đồ ăn tái, sống: bò tái, gỏi cá, trứng trần, gỏi tôm…
- Hạn chế sử dụng các món chiên, xào, quay.
- Không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích…
Ngoài ra mẹ còn cần duy trì bổ sung canxi cho mẹ sau sinh, sắt, DHA và các dưỡng chất khác mỗi ngày. Bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết cho cơ thể là điều kiện quan trọng hàng đầu để đảm bảo sức khỏe, giúp mẹ phục hồi sau sinh tốt hơn!
Tóm lại việc sớm nhận biết và điều trị kịp thời chứng tiền sản giật sau sinh là cách tốt nhất ngăn sản giật sau sinh, bảo vệ tính mạng người mẹ. Chúc các mẹ luôn khỏe mạnh để chăm sóc bé yêu tốt nhất.