Giải thể doanh nghiệp được thực hiện trong hai trường hợp: Do mong muốn chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp hoặc do các hoạt động của doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Ở trường hợp thứ hai, trên cơ sở xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh (Phòng ĐKKD) tiến hành thủ tục thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Việc thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh được thực hiện dựa trên việc xác định hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng của doanh nghiệp, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo khoản 1 điều 165 của Luật doanh nghiệp năm 2005 thì "Người có hành vi vi phạm các quy định của Luật doanh nghiệp tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, chủ nợ của doanh nghiệp hoặc người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh khi doanh nghiệp đó vi phạm một trong các trường hợp sau đây:
a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo;
c) Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
d) Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn sáu tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính;
đ) Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong mười hai tháng liên tục;
e) Ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 163 của Luật này đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản;
h) Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.