Thừa kế là quan hệ pháp luật
cơ bản được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Đây là quan hệ pháp luật diễn ra
thường xuyên trong đời sống xã hội, cũng chính vì vậy Bộ luật dân sự quy định
khá đầy đủ và chi tiết vấn đề này. Bài viết dưới đây cung cấp và phân tích quy
định pháp luật về thừa kế như sau:
Tư vấn về pháp luật thừa kế
Thừa kế được quy định cụ thể
tại Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày
24 tháng 11 năm 2015, nội dung chi tiết như sau: Quyền thừa kế Cá nhân có quyền
lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa
kế theo pháp luật; hưởng di sản
theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng
di sản theo di chúc.
Quyền bình đẳng về thừa kế
của cá nhân
Mọi cá nhân đều bình đẳng về
quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc
hoặc theo pháp luật.
Thời điểm, địa điểm mở thừa
kế
1. Thời điểm mở thừa kế là
thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết
thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật
dân sự 2015.
2. Địa điểm mở thừa kế là
nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư
trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần
lớn di sản.
Di sản
Di sản bao gồm tài sản
riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người
khác.
Người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải
là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm
mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp
người thừa
kế theo di chúc không là cá nhân
thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Thời điểm phát sinh quyền
và nghĩa vụ của người thừa kế
Kể từ thời điểm mở thừa kế,
những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Thực hiện nghĩa vụ tài sản
do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế
có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để
lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa
được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản
thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người
chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được
chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có
thoả thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế
không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ
tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
>>>> Xem thêm: Dịch
vụ sang tên sổ đỏ trọn gói uy tín
Người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản là
người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.
2. Trường hợp di chúc không
chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý
di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản
đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trường hợp chưa xác định
được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Nghĩa vụ của người quản lý
di sản
1. Người quản lý di sản quy
định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật dân sự 2015 có nghĩa vụ sau
đây:
a) Lập danh mục di sản; thu
hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường
hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không
được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình
thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về tình trạng
di sản cho những người thừa kế;
d) Bồi thường thiệt hại nếu
vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại di sản theo yêu
cầu của người thừa kế.
2. Người đang chiếm hữu, sử
dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật dân sự 2015 có
nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo quản di sản; không
được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình
thức khác;
b) Thông báo về di sản cho
những người thừa kế;
c) Bồi thường thiệt hại nếu
vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
d) Giao lại di sản theo thoả
thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
>>>> Có thể bạn quan tâm: Công
chứng thứ 7 và chủ nhật miễn phí tại nhà
Quyền của người quản lý di
sản
1. Người quản lý di sản quy
định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật dân sự 2015 có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người
thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo
thoả thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí
bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử
dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật dân sự 2015 có
quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di
sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý
của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo
thoả thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí
bảo quản di sản.
3. Trường hợp không đạt được
thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được
hưởng một khoản thù lao hợp lý.
Việc thừa kế của những người
có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm
Trường hợp những người có
quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết
cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi
chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản
của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị
theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.
Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ
chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện
nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản
phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế
khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản
phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Người không được quyền hưởng
di sản
1. Những người sau đây
không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành
vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng,
hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người
đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng
nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành
vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ
phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối,
cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di
chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc
toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại
khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi
của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
>>>> Xem thêm: Thủ tục chứng
thực chứng minh thư và hộ khẩu
Tài sản không có người nhận
thừa kế
Trường hợp không có người
thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản,
từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản
mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa
kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản,
kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế
đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản
thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu
của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự 2015;
b) Di sản thuộc về Nhà nước,
nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa
kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người
khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người
thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời
điểm mở thừa kế.
Như vậy những nội dung cơ bản
của chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 2015 có những đặc điểm như sau:
Những người tham gia vào quan hệ pháp luật này là những bên có quan hệ huyết thống
gần gũi với nhau như: Cha, mẹ, con, anh, em v.v,. hoặc quan hệ hôn nhân như: Vợ
chồng và quan hệ nuôi dưỡng như con nuôi. Vì vậy, để nghiên cứu nhằm áp dụng giải
quyết các vụ tranh chấp về quyền thừa kế cần nắm vững các quy định của pháp luật
về thừa kế và phải luôn tôn trọng, đề cao truyền thống văn hoá tốt đẹp của người
Việt Nam. Nếu như bạn có thắc mắc gì liên quan đến nội dung trên hoặc các vấn đề
pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ:
Văn phòng công chứng
Nguyễn Huệ
Địa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh - quận
Đống Đa, Tp Hà Nội
Số hotline: 0966.227.979 - 0935.669.669
Địa chỉ email: ccnguyenhue165@gmail.com