Bạn cho rằng chỉ những người giàu mới cần quản lý tài chính cá nhân ư? Thật ra bạn có thể làm điều này ngay cả với mức lương của sinh viên mới ra trường.
Quản lý tài chính cá nhân tuy là vấn đề ai cũng phải đối mặt nhưng thực tế không nơi nào dạy cho bạn làm điều này cả. Có thể trường lớp, gia đình, trường đại học hay công ty sẽ dạy bạn cách kiếm tiền, nhưng tiêu tiền hợp lý thì chắc chắn không.
Trong cuốn sách “Dạy con làm giàu – Rich Dad Poor Dad” của Robert Kiyosaki và Sharon Lechter đề cập: “Đa số sinh viên rời trường mà không có một kỹ năng tài chính nào… Điều thiếu sót trong vốn học của họ không phải là làm thế nào để kiếm tiền, mà làm thế nào để sử dụng tiền.”
Chuông điện thoại reo thông báo lương về đầu tháng. Bạn cảm thấy cần tự thưởng cho bản thân với số tiền “khủng” mình vừa có được. Và thế là mua sắm tất tần tật những thứ mình yêu thích. Và hệ quả tất yếu là bạn phải đối mặt với sự thiếu hụt tài chính vào cuối tháng.
Bạn có kế hoạch chi tiêu hay vẫn thích chi khi nào mình muốn?
Kế hoạch chi tiêu đối với nhiều bạn trẻ nghe thật sáo rỗng và lý thuyết. Bởi hiếm có ai thật sự lập kế hoạch và thực hiện được nó 100%. Nhưng thực tế điều này là bình thường. Kế hoạch lập ra là để thực hiện, và việc nó có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Lợi ích thực tế của nó là giúp bạn kiềm chế bản thân trước thói quen mua sắm vô tội vạ. Bởi bạn biết mình sẽ được mua món đồ yêu thích vào lúc khác, không phải lúc này, nhưng chắc chắn sẽ có. Việc chi tiêu được lên kế hoạch sẽ giúp bạn dùng tiền một cách khoa học hơn.
Những câu hỏi cần trả lời để sắp xếp thứ tự ưu tiên các thứ cần mua là: Món đồ đó có cần thiết bây giờ không? Nếu để sau mua bạn có thể được giá tốt hơn không? Bạn đã trừ hết các khoản chi thiết yếu: ăn, ở, đi lại... chưa? Khoản chi nào sẽ giúp bạn thỏa mãn hơn, A hay B hay C. Và lưu ý quan trọng là không nên mua cùng lúc nhiều đồ giá trị cao.
Xài trước, kiếm tiền bù vào sau?
Tự thưởng bản thân là một việc làm hết sức chính đáng. Bạn có thể thưởng cho mình một bữa ăn sang trọng, một chiếc túi xách, đôi giày yêu thích. Nhưng liệu những khoản tự thưởng này có khiến bạn thiếu trước hụt sao vào cuối tháng.
Nhiều bạn luôn trải qua vòng tuần hoàn là tiêu tiền - hết tiền - vay tiền đến khi có lương lại trả. Như vậy, bạn đang phụ thuộc một cách tiêu cực vào đồng tiền. Ngoài ra, những khoản chi từ trên trời rơi xuống sẽ luôn khiến bạn không thể ứng phó kịp. Một khoản tiền dự phòng là rất cần thiết trong mọi trường hợp.
Số tiền tiết kiệm hiện tại của bạn là bao nhiêu?
Nhiều người cho rằng, tiết kiệm là việc của những người có mức lương trung bình khá trở lên. Không thể nào tiết kiệm được với mức lương thấp. Nhưng việc này thật sự không đúng. Khoản tiết kiệm có thể ít ỏi nếu thu nhập của bạn không cao. Nhưng hoàn toàn là có thể thực hiện. Ví dụ, bạn là sinh viên mới ra trường với mức lương 6 triệu, bạn có thể khởi đầu tiết kiệm 500 nghìn đồng mỗi tháng.
Đặt mục tiêu cho khoản tiết kiệm cũng rất quan trọng. Bạn sẽ cảm thấy số tiền mình chắt chiu mỗi tháng sẽ được tận dụng xứng đáng. Ví dụ như học một kỹ năng mới, đi du lịch, mua xe, laptop…
Vì sao bạn làm mãi mà vẫn không “có dư”
Một số người sẽ cảm thấy mình chẳng tiêu gì nhiều, chẳng mua sắm quá nhiều, mức lương cũng tương đối ổn định nhưng luôn không “có dư”. Nguyên nhân của việc này là bạn thiếu kỹ tính trong việc chi tiêu. Bạn có thể chẳng chi khoản nào lớn, nhưng những thứ nhỏ nhặt và lặp đi lặp lại sẽ trở thành một con số lớn.
Ví dụ bạn thường xuyên ăn ngoài, uống trà sữa mỗi ngày, mua sắm quần áo, đồ dùng thường xuyên. Có thể bạn thấy khoản chi không lớn. Nhưng thực tế nó khiến bạn lãng phí khá nhiều.
Bí quyết là hãy kỹ tính một chút trong chi tiêu, lên kế hoạch chi tiêu từng tháng và tự thưởng cho mình những thứ xứng đáng.