Hiện nay, tại Việt Nam, chứng chỉ ISO 14001 được cấp cho khá nhiều tổ chức với các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ đa dạng, trong đó các ngành nghề như: Chế biến thực phẩm (mía đường, thủy sản, rượu bia – nước giải khát…), Điện tử, Hóa chất (dầu khí, sơn, thuốc bảo vệ thực vật), Vật liệu xây dựng, Du lịch - Khách sạn,… Bàn về những đặc điểm thuận lợi khi áp dụng ISO 14001 tại Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Trường Sơn - người có hơn 15 năm kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn ISO 140001 cho biết:
Thuận lợi đầu tiên đó là pháp luật môi trường của nước ta ngày càng chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn. Tiêu chuẩn ISO 14001 không đưa ra những quy định hay tiêu chí cụ thể về môi trường mà chỉ đề xuất các nguyên tắc trong công tác quản lý. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của bộ tiêu chuẩn này là hoạt động của doanh nghiệp phải phù hợp với các yêu cầu pháp quy sở tại. Bởi vậy tính đầy đủ, dễ hiểu và khả thi của hệ thống văn bản pháp quy về môi trường là rất cần thiết cho việc thực hiện tiêu chuẩn ISO 14001.
Các văn bản quy phạm pháp luật đó đã có đóng góp to lớn trong công tác bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường ở nước ta từ năm 1993 đến nay đã phát triển cả nội dung lẫn hình thức. Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gia tăng nhanh chóng do sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của môi trường. Trong đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quyền và nghĩa vụ cơ bản của mỗi tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường. Nhờ vậy các đối tượng của ISO 14001 dễ dàng xác định được mình cần làm gì và làm như thế nào để tuân thủ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường.
Thuận lợi thứ hai đó tới từ sức ép của các doanh nghiệp đa quốc gia. Việc gia tăng số lượng các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam kéo theo đó là các yêu cầu ngày càng gia tăng về tay nghề nhân công, trình độ chuyên môn hóa, yêu cầu về chất lượng, môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó vừa là thách thức nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp trong nước tự hoàn thiện bản thân nhằm gia nhập vào sân chơi quốc tế.
Hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia yêu cầu các nhà cung cấp hoặc nhà thầu của mình phải đảm bảo vấn đề môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, và chứng nhận ISO 14001 là bằng chứng bảo đảm cho yêu cầu đó. Có thể kể tới một vài đơn vị nước ngoài tại Việt Nam đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001 như: Honda Việt Nam, Goshi Thăng Long, Nissin Brake, Tsukuba, Stanley....
Thuận lợi thứ 3 là sự quan tâm ngày càng cao của cộng đồng đối với môi trường. Xuất phát từ các định hướng chiến lược lâu dài của quốc gia trong vấn đề bảo vệ môi trường, kết hợp với các yêu cầu của khách hàng và đối tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà việc áp dụng ISO 14001 ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.
Xem thêm Doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam chuyển mình nhờ ISO 14001
Việc chứng nhận ISO 14001 ngày càng được quan tâm và sử dụng phổ biến không chỉ tới từ tính đúng đắn, khoa học của tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 mà còn là nhờ một số điều kiện thuận lợi trong thực tế đã thúc đẩy các doanh nghiệp tìm hiểu, áp dụng, đánh giá chứng nhận và duy trì chứng chỉ ISO 14001 lâu dài.