Tổng quan về nghệ thuật hòn non bộ
Hòn non bộ đã xuất hiện từ rất lâu trong không gian nhà của người Việt và nhiều dân tộc Á Đông khác. Thú chơi này đã trở thành một trào lưu phổ biến và ai cũng có thể chơi được bất kể giàu nghèo. Tuy phổ biến là thế, nhưng khi chơi hòn bộ cũng nên để ý đến cách thiết kế và bày trí sao cho hợp phong thủy để mang vượng khí vào nhà.
Hòn non bộ là gì?
Hòn Non bộ (một từ thuộc chữ Nôm) là nghệ thuật tái hiện và mô phỏng những ngọn núi to lớn hay cảnh quan núi đồi ngoài tự nhiên vào trong các khu vườn để phục vụ mục đích thưởng ngoạn của chủ nhà.
Non bộ là một thú chơi của không chỉ của người Việt mà còn là của nhiều dân tộc Châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc. Người Việt thường kết hợp non bộ với yếu tố nước để tạo tiểu cảnh hòn non bộ đẹp có thác nước, còn người Nhật và người Hoa lại chú trọng đến yếu tố cây xanh.
Lịch sử và nguồn gốc của hòn non bộ
Có nhiều tài liệu về nguồn gốc của hòn non bộ. SGL – Saigon Landscape tìm hiểu theo Đại Việt sử ký, tháng 6 năm Ất Dậu (năm 985 Sau Công Nguyên), nhân dịp lễ sinh nhật vua Lê Đại Hành người dân đắp một quả núi giả trên chiếc bè giữa sông để vua quan đi thuyền chung quanh thưởng ngoạn.
Cũng có tài liệu ghi lại non bộ bắt nguồn từ Trung Hoa thời Đông Hán (năm 25 – 250 Sau Công Nguyên) dựa trên các bức tranh trên tường có cảnh cây trồng trong chậu cùng vài tảng đá. Có lẽ thú chơi non bộ ở nước ta bắt nguồn và chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa cổ đại.
Văn hóa nghệ thuật chơi hòn non bộ phát triển ở Việt Nam
Tại Việt Nam hòn non bộ là những cụm núi giả bằng đá đặt giữa hoặc bên cạnh một hồ nước. Kích thước hồ nước cũng rất đa dạng, mẫu hòn non bộ đẹp trong nhà nhỏ thì chỉ 15 – 20cm, lớn thì đến 2 – 3m đặt trong sân vườn, nhưng cũng có khi xây lớn 8 – 9 m tại những căn biệt thự, nhà vườn hoặc đền, chùa, khu du lịch. Thiết kế hòn non bộ nhỏ thường đặt trong nhà và không thả cá. Nhưng những loại non bộ lớn đặt ngoài vườn người chơi thường nuôi cá thả bèo, hoặc đặt thêm các tiểu cảnh để tái hiện làng quê Việt Nam. Độ sâu của hồ nước thì chúng không quá quan trọng nhưng bắt buộc phải có diện tích mặt nước lớn và phẳng lặng
Đá dùng đắp non bộ thường là những loại đá thấm hút tốt để dẫn nước từ hồ lên nuôi cây. Các loại đá thường được sử dụng là đá san hô, đá cổ thạch, đá núi lửa,… Người Nhật Bản và Trung Hoa thích những loại đá hình thù dị kỳ nhưng người Việt lại thích thiết kế hòn non bộ từ những viên đá có hình dạng giống ngọn núi hay hòn đảo. Số ngọn núi của non bộ thường là số lẻ, ví dụ 1 ngọn, 3 hoặc 5 ngọn chứ ít khi là số chẵn. Trọng tâm nghệ thuật là đá, cây xanh chỉ tô điểm thêm cho các ngọn “giả sơn” tuy nhiên vẫn theo tỉ lệ để tạo ra tổng thể hài hòa.