Tiêu chuẩn ISO 9000 và tiêu chuẩn ISO 9001 giống nhau ở chỗ cả hai đều là tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận và công nhận trên phạm vi toàn thế giới. Thứ hai, ISO 9000 và ISO 9001 đều do Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Thứ ba, nội dung của ISO 9000 và ISO 9001 cùng xoay quanh hệ thống quản lý chất lượng. Mặt khác, mọi doanh nghiệp, công ty, tổ chức bất kể là đang hoạt động trong lĩnh vực nào, có quy mô ra sao cũng đều có thể áp dụng 2 bộ tiêu chuẩn.
Phân tích kỹ hơn sẽ thấy được những điểm khác biệt giữa ISO 9000 và ISO 9001. Trước tiên là về khái niệm, ISO 9000 vừa là tên gọi chung của hệ thống các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng bao gồm: ISO 9000:2015 (Cơ sở và thuật ngữ), ISO 9001:2015 (Yêu cầu), ISO 9004:2018 (Quản lý tổ chức để đạt được thành công bền vững), ISO 19011:2018 (Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý). Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa rộng thì phạm vi của ISO 9000 rộng hơn và bao gồm các nội dung của ISO 9001. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa hẹp với tư cách là một thành phần của hệ thống các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng thì ISO 9000 là một bộ tiêu chuẩn độc lập có tên đầy đủ là Hệ thống quản lý chất lượng – Cơ sở và thuật ngữ, trong khi đó ISO 9001 là Hệ thống quản lý chất lượng – Yêu cầu.
Về mục đích sử dụng, cần đặc biệt lưu ý ISO 9000:2015 không phải là một tiêu chuẩn dùng để chứng nhận, bởi vậy mọi yêu cầu về chứng nhận hay mọi loại giấy chứng nhận ISO 9000:2015 đều không tồn tại. Tiêu chuẩn ISO 9000:2015 chỉ đóng vai trò như một tài liệu hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ các nội dung và yêu cầu của ISO 9001. Không giống như ISO 9000:2015, ISO 9001 là tiêu chuẩn có thể chứng nhận. Nếu áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 9001:2015 thì doanh nghiệp sẽ được cấp chứng nhận ISO 9001.
Đúng như tên gọi của bộ tiêu chuẩn, ISO 9000:2015 đề cập đến một hệ thống các thuật ngữ và định nghĩa (liên quan đến: con người, tổ chức, hoạt động, tổ chức, quá trình, hệ thống, yêu cầu, kết quả, thông tin, khách hàng, đặc tính, xác định, hành động, đánh giá) được sử dụng trong hệ thống quản lý chất lượng (QMS). Nắm vững được những nội dung này sẽ giúp doanh nghiệp hình dung rõ hơn về cam kết và nhiệm vụ của mình trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và đối tác. Trong khi đó, ISO 9001 bao gồm những nguyên tắc và yêu cầu để triển khai xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn.
Về mặt nội dung chi tiết, ISO 9000 và ISO 9001 trình bày những khía cạnh khác nhau của hệ thống quản lý chất lượng. Cụ thể, tiêu chuẩn ISO 9000:2015 bao gồm các mục chính sau:
1. Phạm vi áp dụng
2. Các khái niệm cơ bản và nguyên tắc quản lý chất lượng
3. Thuật ngữ và định nghĩa:
· Thuật ngữ liên quan tới con người
· Thuật ngữ liên quan tới tổ chức
· Thuật ngữ liên quan tới hoạt động
· Thuật ngữ liên quan tới quá trình
· Thuật ngữ liên quan tới hệ thống
· Thuật ngữ liên quan tới yêu cầu
· Thuật ngữ liên quan tới kết quả
· Thuật ngữ liên quan tới dữ liệu, thông tin và tài liệu
· Thuật ngữ liên quan tới khách hàng
· Thuật ngữ liên quan tới đặc tính
· Thuật ngữ liên quan tới xác định
· Thuật ngữ liên quan tới hành động
· Thuật ngữ liên quan tới đánh giá
Trong khi đó, tiêu chuẩn ISO 9001:2015 chia thành các mục:
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Bối cảnh của tổ chức
5. Sự lãnh đạo
6. Hoạch định
7. Hỗ trợ
8. Thực hiện
9. Đánh giá kết quả thực hiện
10. Cải tiến
Từ những thông tin trên có thể thấy ISO 9000 và ISO 9001 không mâu thuẫn với nhau mà ngược lại hỗ trợ cho nhau. Nếu doanh nghiệp có thể cùng hiểu và kết hợp một cách hài hòa cả hai tiêu chuẩn này thì sẽ rất thuận lợi việc triển khai thực hiện và đạt được hiệu quả cao hơn khi xây dựng hệ thống quản lý chất lượng.
Xem thêm 6 ngành công nghiệp cần chứng nhận ISO 9001
Chú ý: CongMuaBan.vn không bán hàng trực tiếp, quý khách mua hàng xin vui lòng liên lạc với người bán.