Trong quá khứ, việc lựa chọn ổ lưu trữ tối ưu nghĩa là cố gắng sắm ổ HDD dung lượng càng cao càng tốt. Nhưng sự xuất hiện và phổ biến ổ SSD hiện đã khiến người dùng phải cân nhắc thêm nhiều tiêu chí khác.
Khác biệt về công nghệ
HDD (Hard Disk Drive) là ổ cứng truyền thống có kết cấu cơ bản gồm đĩa tròn được phủ vật liệu từ tính và một động cơ quay để đọc/ghi dữ liệu, đi kèm bo mạch điện tử điều khiển đọc/ghi đúng vị trí trên đĩa đang quay để giải mã thông tin.
HDD là ổ lưu trữ gắn bó với máy tính trong nhiều thập kỷ qua. Công nghệ ổ HDD hiện đã hoàn thiện đạt độ bền cũng như hiệu năng cao, đáng tin cậy và giá thành rẻ so với các công nghệ ổ lưu trữ mới.
Các ổ HDD kết nối vào hệ thống máy tính qua giao tiếp phổ biến SATA III với tốc độ cao đến 200MB/giây. Có hai loại ổ cứng phân biệt theo tốc độ vòng quay càng nhiều thì tốc độ hoạt động của ổ cứng càng nhanh: 5.400 vòng/phút và 7.200 vòng/phút.
SSD (Solid State Drive) là phương tiện lưu trữ dữ liệu bằng bộ nhớ flash trạng thái rắn. Hai thành phần chính tạo nên một ổ SSD gồm bộ điều khiển flash và chip nhớ flash NAND. SSD sử dụng bộ nhớ Flash, chính vì vậy SSD có khả năng lưu trữ dữ liệu và không làm mất dữ liệu kể cả khi máy tính bị mất điện đột ngột.
Ổ SSD cũng có lợi thế về kích thước nhỏ nhắn để vừa vặn cho các laptop siêu mỏng, đảm bảo cả thiết kế lẫn tốc độ hoạt động. Một ưu điểm khác của SSD chính là độ bền do không có các thành phần cơ khí như đĩa từ quay, đầu đọc/ghi như ổ HDD nên SSD hoạt động êm ái hơn và không bị ảnh hưởng hiệu suất do rung lắc, chuyển động.
Nên chọn loại ổ lưu trữ nào?
Hiện tại ổ cứng HDD phù hợp nếu bạn có nhu cầu dung lượng lưu trữ lớn, như là bộ nhớ phụ cho máy tính. Dĩ nhiên HDD cũng có thể trở thành bộ nhớ chính trên máy tính hiện đại như nó đã từng. Thế nhưng nếu bạn yêu cầu máy tính phải phản hồi nhanh chóng để đáp ứng tốc độ xử lý dữ liệu cao như công việc liên quan đến đồ họa thì SSD sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.
Không chỉ đọc/ghi nhanh hơn so với ổ HDD, các ổ SSD có thể truy cập dữ liệu nhanh hơn rất nhiều. So với ổ HDD có tốc độ đọc/ghi dữ liệu tối đa 200MB/giây thì các ổ cứng SSD loại PCIe 3.0 NVMe cao cấp có thể đạt tốc độ đọc hơn 3.000MB/giây. Và thậm chí các ổ SSD PCIe 4.0 NVMe hàng đầu có thể đạt tốc độ trên 7.000MB /giây.
Xem thêm : SSD NVME là gì?
Tuy nhiên, hiện tại giá thành của ổ SSD vẫn đắt hơn nhiều so với ổ HDD tính trên chi phí người dùng phải bỏ ra cho mỗi gigabyte. Điển hình khi so sánh giữa loại dung lượng 4TB thì ổ SSD có giá khoảng 0,14 USD/GB còn ổ HDD chỉ khoảng 0,03USD/GB.
Ngoài ra, dung lượng phổ biến hiện tại của SSD chỉ là 1TB đến 2TB và nếu bạn yêu cầu ổ cứng đến vài chục TB thì chi phí cho ổ SSD hiện sẽ đáng giá cả một gia tài trong khi HDD vẫn rẻ như “cơm bình dân” ngon lành.
Một mối lo ngại khác là ổ SSD có thể bị hỏng mà không có tín hiệu cảnh báo trước như tiếng mài đĩa từ thường thấy ở ổ HDD. Cách tốt nhất để xử lý trong trường hợp lỗi là sử dụng các ứng dụng bảo trì từ nhà sản xuất SSD để xác định lỗi.
Thế nên người dùng cần lựa chọn các công cụ sao lưu để đảm bảo tính toàn vẹn cho dữ liệu. Hiện tại giá thành ổ SSD đã khá phải chăng so với trước đây nên bạn có thể lựa chọn một ổ SSD duy nhất cho máy tính của mình để tận hưởng những ưu điểm của loại ổ lưu trữ mới này.
Kết luận
Giải pháp tối ưu để dung hòa giữa tốc độ xử lý và tối đa dung lượng lưu trữ trên máy tính là bạn có thể sử dụng kết hợp một ổ chính SSD để cài hệ điều hành, phần mềm, đảm bảo xử lý tác vụ đòi hỏi tốc độ cao, kèm một ổ phụ loại HDD dung lượng lớn để lưu dữ liệu. Còn thêm lựa chọn khác là ổ SSHD hay ổ cứng lai, đó là sự kết hợp ưu điểm của HDD với SSH, đi kèm giá bán cạnh tranh.