Thách thức của giới trẻ thời đại 4.0

  -  

Ngày 01/10/2017, Utalents đã đồng hành cùng chương trình Ngày hội  sáng chế trẻ 2017 (Young Maker Day) trong vai trò nhà đồng tài trợ. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 100 bạn trẻ khu vực Miền Bắc đến từ nhiều trường THPT, Đại học hàng đầu tại Hà Nội.

Utalents với vai trò là nhà đồng tài trợ, Trainer Đỗ Việt Cường đã chia sẻ chủ đề “Thấu hiểu bản thân” mở màn cho chương trình. Bên cạnh đó, phần tọa đàm đến từ các diễn giả cũng giúp cho nhiều bạn trẻ làm rõ được không ít những băn khoăn cũng như có định hướng cho bản thân trong tương lai.


Các bạn trẻ hiện nay, cuối 9x và đặc biệt là đầu những năm 2000 đổ đi, rất thông minh, giỏi ngoại ngữ và tiếp cận internet từ sớm. Đó là sự khác biệt mà thế hệ trước đó rất yếu. Nhưng điểm yếu lớn nhất của họ là gì? Có 2 điểm yếu cốt lõi:


– Thứ nhất: Chỉ số vượt khó kém, thậm chí rất kém. Lý do chính không phải do các bạn, mà là do xã hội. Thời các bạn sinh ra cuộc sống sướng hơn rất nhiều, điều kiện đầy đủ hơn nhiều. Mà đương nhiên, quen sướng từ nhỏ thì dẫn đến khả năng chịu khổ kém. Mà chỉ số vượt khó nghĩa là khả năng đương đầu với nghịch cảnh, áp lực, khó khăn (hay nói thẳng ra là khả năng chịu khổ). Khi chỉ số chịu khổ kém, các bạn rất dễ bỏ cuộc. Mà tương lai người ta cần những người có khả năng lì lợm, không dễ bỏ cuộc để làm việc lớn.


– Thứ hai: Các bạn có quá nhiều sự lựa chọn. Thực sự là ngày xưa giới trẻ ít lựa chọn hơn nhiều. Đôi khi người ta hay nói, hoặc là làm thầy hoặc là làm thợ, rồi vì khổ hơn nên là ai cũng ráng theo cho mình được một cái nghề gì đó. Làm nhiều, làm nhiều, kỹ năng sẽ dẫn đến đam mê, và từ từ có bàn đạp, bệ phóng để làm những thứ lớn lao hơn. Còn các bạn trẻ ngày nay, các bạn có nhiều sự lựa chọn. Từ việc chọn trường, chọn học nghề, chọn đi du học, cho đến khi ra trường cũng có quá nhiều lựa chọn. Không khó để ứng tuyển vào nhiều công ty, nhiều vị trí khác nhau.


Nhưng điều này tưởng như có lợi mà lại có hại. Chính vì thế mà căn bệnh “đứng núi này trông núi nọ” trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Có rất nhiều bạn ứng tuyển, CV ghi là em có kinh nghiệm làm ở nhiều nơi, 1 tháng ở chỗ này, 2 tháng ở chỗ kia,… chẳng hạn có 1 năm mà đi làm khoảng 4-5 chỗ thì trong mắt nhà tuyển dụng, bạn này đúng là rất có kinh nghiệm: KINH NGHIỆM NHẢY VIỆC. Những người nhảy việc liên tục thường khó mà là chuyên gia rất sâu như những người kiên định.

THẾ HỆ LÃNH ĐẠO TRÔNG CHỜ ĐIỀU GÌ?


Thế hệ lãnh đạo hiện nay, phần lớn là thuộc 7x và 8x. Những lãnh đạo 6x thì đã lớn tuổi, và thế hệ lãnh đạo 9x thì chưa nhiều. Trong lúc nói chuyện với nhau về sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, chúng tôi nói đến lý do vì sao bây giờ ĐH Bách Khoa có vẻ thất thế về công nghệ hơn một số trường mới như FPT, ĐH Công nghệ. Cũng một phần là vì các thầy lãnh đạo thuộc 6x, chưa quen đến khái niệm 4.0 (tôi không nói là tất cả) và cập nhật tình hình nhanh như lãnh đạo 7x và 8x. Thời nay, các lãnh đạo nào cập nhật tình hình nhanh hơn, người đó sẽ có sự chuyển mình công ty tốt hơn để xoay theo được xu hướng xã hội.


Hãy lấy một ví dụ để chúng ta thấy rõ hơn điều này. Thời điểm này, phần lớn nhiều người không quan tâm đến cách mạng 4.0 cho lắm (ừ, thì biết vậy thôi chứ chắc mình cũng chẳng phải tìm hiểu sâu đâu nhỉ). Việc này khá giống với việc cách đây khoảng 40 năm, sau những năm 75 khi chúng ta thống nhất đất nước. Đất nước có cuộc cải cách dữ dội. Và khi đó, phần lớn người trẻ đều học Tiếng Nga. Nhưng thời điểm đó, những người nhanh nhạy nhất, đi học Tiếng Anh, một thứ còn chưa phổ biến và xa lạ lại là những người bắt kịp hội nhập tốt nhất và trở thành thế hệ trở thành lãnh đạo, quản lý.


Vậy thế hệ lãnh đạo hiện tại họ trông chờ điều gì?


Họ trông chờ, tìm kiếm thế hệ lãnh đạo trong tương lai, những người kế nhiệm họ trong khoảng 10 – 20 năm nữa. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ họ tìm đâu được những người có đủ chất, có đủ nhiệt, có đủ tài năng, sự kiên định, lì lợm khi mà các bạn trẻ mắc vào 2 điểm yếu bên trên. Vậy họ sẽ làm gì? Đây là lúc chúng ta thấy sự liên quan đến cuộc cách mạng 4.0.


Họ sẽ trông chờ vào ROBOT, vào TỰ ĐỘNG HÓA.


Gốm sứ Minh Long cắt giảm 95% nhân công vì có quy trình tự động hóa. Uber và Grab đập tan thị trường xe ôm Việt nhờ công nghệ. Hệ thống may bằng 3D sẽ cắt giảm cả hàng trăm nghìn nhân công ngành may mặc. Hệ thống Nanofarm (rau trồng tự động trong tủ kính) sẽ cướp việc của hàng trăm nghìn nông dân trồng rau. Thế còn những người làm kế toán, luật sư, nhân viên sale, đầu bếp… Cũng mất việc nốt. Robot về luật có thể tra cứu hàng trăm nghìn văn bản trong vài giây. Cánh tay đầu bếp có thể sao chép và nấu các món ăn theo đúng chuẩn mà không cần bất kì một đầu bếp nào.

SỰ PHÂN HÓA GIỚI TRẺ TRONG TƯƠNG LAI

Các bạn trẻ sẽ có 2 nhóm người.

– Nhóm phần đông: là phần lớn những bạn mắc kẹt ở mức trung bình, cái gì cũng chỉ tà tà, cái gì cũng vừa vừa, không nổi trội. Không nhanh nhạy thì sẽ bị cướp việc, thất nghiệp là chuyện bình thường.

– Nhóm quý và hiếm: nhóm nhỏ này, sẽ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Là những người sinh vào thời sau này, tận dụng được điểm mạnh của thế hệ sau là rất giỏi, cập nhật thông tin nhanh, ngoại ngữ và tin học tốt và vượt qua được trở ngại, đó là rất kiên định, lỳ lợm, tập trung, nỗ lực ngay từ bây giờ, bắt kịp xu thế thời đại. Nhóm này sẽ không bị robot thay thế mà sẽ là người quản lý robot. Ví dụ, những đầu bếp giỏi nhất sẽ nghĩ ra những món ăn phức tạp nhất, sau đó cho obot học, tạo thành app online. Các robot ở mọi nơi muốn học phải mua app về.


Con đường vào nhóm quý và hiếm này gian nan và thử thách, nhưng khi lọt vào được rồi (chẳng hạn top 10% giỏi nhất trong lĩnh vực của mình), thì đó sẽ là thế hệ lãnh đạo và quản lý tương lai mà đội ngũ lãnh đạo đương thời đang tìm kiếm.

Làm thế nào để lọt vào nhóm 10% giỏi nhất? Câu hỏi này xin để bạn đọc suy ngẫm và tự trả lời. Tuy nhiên, bản thân tôi thấy ít nhất có 1 lý do quan trọng, là phải thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu bản thân.